Các doanh nghiệp viễn thông cho rằng việc "nhà đèn" nâng giá bán với mức tăng thấp nhất là 4 lần, cao nhất là 8 lần kể từ đầu năm nay, đã khiến chi phí bị đội lên. Các nhà khai thác di động vì thế mà khó cân nhắc việc giảm giá cước dịch vụ.
Một chiếc cột điện phải cõng trên mình chừng này búi dây. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong văn bản gửi EVN, Công ty cổ phần Viễn thông Sài Gòn (Saigon Postel) - đơn vị chủ quản mạng di động S-Fone cho rằng, trong bối kinh tế khó khăn như hiện nay, mức tăng giá quá lớn như vậy làm tăng đột biến chi phí sản xuất kinh doanh cho hầu hết các doanh nghiệp viễn thông. Hiện Saigon Postel đang thuê của EVN một số lượng cột điện khá lớn để treo cáp viễn thông và dự kiến nhu cầu thuê còn tiếp tục tăng cao. Hai bên cũng đang tiến tới mục tiêu hợp tác lâu dài trong việc thuê, mượn hạ tầng và cung cấp các dịch vụ mới.
"Chúng tôi rất mong EVN sớm xem xét để ban hành biểu giá hợp lý hơn trong bối cảnh Chính phủ kêu gọi các doanh nghiệp tiết giảm chi phí tiến tới hạ giá thành sản phẩm, dịch vụ", phía Saigon Postel nói.
Mấy ngày qua, hai nhà khai thác viễn thông lớn của Việt Nam là VNPT - Viettel cũng chạy đôn chạy đáo để thương thảo lại giá thuê cột điện mà EVN ban hành trước đó. Cả hai hãng cho rằng mức giá mà phía EVN đưa ra không biết được căn cứ vào cơ sở nào. EVN đơn phương nâng giá thuê khi chưa có sự thương lượng giữa các bên là không thỏa đáng, nếu có tăng, cũng nên điều chỉnh dần dần chứ không thể gây sốc như vậy.
Tuy nhiên, EVN vẫn bảo vệ quan điểm của mình và cho rằng việc tăng giá thuê cột là nhằm bù đắp chi phí bảo dưỡng, an toàn mạng lưới và cố gắng giảm bớt hình ảnh xấu về một hệ thống đèn cột cõng trên mình quá nhiều dây rợ. Trong "tối hậu thư" gửi cho các doanh nghiệp viễn thông, EVN cho rằng việc treo cáp thông tin trên cột điện thời gian qua chưa đúng với các quy định, gây bức xúc trong dư luận, khiến ngành điện khó khăn trong công tác quản lý vận hành hệ thống.
EVN yêu cầu các đơn vị thành viên của mình mở đợt tổng kiểm tra lại toàn bộ các loại cáp thông tin treo trên cột, kiên quyết yêu cầu dỡ bỏ các cáp không nằm trong hợp đồng thuê, nhất là các loại cáp treo không đúng quy định, đe dọa an toàn và mất kỹ quan đô thị. Ngoài ra EVN cũng yêu cầu các đơn vị thành viên nhanh chóng thu hồi công nợ của các doanh nghiệp ký hợp đồng thuê cột, công ty nào không chấp hành, dây dưa nợ nần thì lập tức dỡ bỏ.
Phía EVN nhấn mạnh: "Sở dĩ ngành điện "quy hoạch" lại hệ thống dây cáp trên các cột điện của mình là nhằm đảm bảo tính mạng cho người dân, sau hàng loạt các vụ tai nạn do dây cáp điện gây ra".
Hàng chục nhà khai thác dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin và truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số tại VN đang phải "tầm gửi" hệ thống cáp quang trên các cột điện của EVN. EVN đang độc quyền cung cấp hệ thống hạ tầng với hàng triệu cột điện trong cả nước, các doanh nghiệp viễn thông chỉ có lựa chọn duy nhất là thuê cột điện của EVN để treo cáp. |
Trao đổi với VnExpress.net, một quan chức EVN cho hay, các đơn vị muốn treo cáp trên cột của EVN phải trực tiếp ký thỏa thuận với điện lực địa phương, cam kết vấn đề an toàn, đồng thời đảm bảo sử dụng loại cáp đủ nhẹ để không gây các sự cố cho người dân. Hiện EVN đang tìm cách tháo bỏ một số đường dây khác nằm trong danh sách có khả năng gây nguy hiểm.
Về trường hợp cụ thể mà các doanh nghiệp kiến nghị, vị quan chức này cho biết sẽ tiến hành kiểm tra làm rõ. "Đây không phải chúng tôi gây khó dễ, mà việc thắt chặt quản lý việc treo cáp là nhằm đảm bảo tính mạng của người dân", ông nói.
Theo EVN, việc có quá nhiều nhà khai thác dịch vụ treo cáp trên cột điện đã dẫn đến các loại chi phí vận hành, bảo dưỡng, bảo trì hệ thống đèn cột tăng. Do vậy, để bù đắp chi phí, không còn cách nào khác là tăng giá thuê cột.
Bảng giá thuê cột điện mới của EVN:
STT | Loại cột | Đơn giá cũ (đồng/cột/tháng) | Đơn giá mới (đồng/cột/tháng) |
1 | Cột cao dưới 8,5m | 3.500 | 20.114 |
2 | Cột cao từ 8,5m đến 10,5m | 5.800 | 28.340 |
3 | Cột cao từ 10,5m đến 12,5m | 6.000 | 48.469 |
4 | Cột cao trên 12,5m | 27.500 | 109.327 |
Vũ Bích Ngọc-ST
Theo VnExpress